Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010
Happy New Year - 新年快樂!
Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010
Ý nghĩa "Ngôi sao David"
“Ngôi sao David” hay lá chắn David (Magen David trong ngôn ngữ Hebrew – tiếng Do thái cổ, được phiên âm bởi những nhà ngôn ngữ học từ Kinh thánh của người Do Thái và Mogein Dovid hoặc Mogen Dovid trong tiếng Do thái cổ của người Ashkenazi và Yiddish – người Do thái gốc Đức) là biểu tượng đại diện cho người Do Thái và đạo Do Thái.
Cái tên này được đặt theo tên vua David của người Israel cổ đại; được biết đến sớm nhất vào thời kỳ Trung cổ, cùng với những biểu tượng cổ xưa khác trên cây chúc đài trong đền thờ của người Do Thái. Ngôi sao David có hình dạng của một ngôi sao 6 cánh với 2 tam giác lồng vào nhau.
Cùng với sự thành lập của nước Israel năm 1948, ngôi sao David trên lá quốc kỳ của Israel cũng đã trở thành biểu tượng của đất nước này. Ngôi sao David đồng thời cũng gắn liền với Phong trào phục quốc của người Do Thái..
A-Nguồn gốc
1. Nguồn gốc tên gọi
Bằng chứng khảo cổ học xưa nhất về việc người Do Thái đã sử dụng biểu tượng này là một văn tự cổ được cho là của Yehoshua ben Asayahu vào cuối thế kỷ thứ 7 Trước công nguyên, ở Sidon, nay thuộc Lebanon.
Nguồn gốc tên gọi “Ngôi sao David” cho biểu tượng ngôi sao 6 cánh vẫn chưa được xác định chính xác. Có giả thuyết cho rằng, “Ngôi sao David” gồm 2 trong 3 chữ cái trong tên gọi “David”. Phát âm từ David của tiếng Do Thái cổ chỉ có 3 chữ, 2 trong số đó là “D” (hoặc “Dalet” trong tiếng Hebrew). Trong bảng chữ cái Paolo-Hebrew, bảng chữ cái cơ bản của chữ viết Hebrew trước khi bị người Babylon xâm lược, “D” được viết với hình dạng như 1 tam giác, gần giống chữ Delta (Δ) của người Hy Lạp, vừa giống nhau ở cách phát âm, vừa nằm ở cùng 1 vị trí (thứ 4) trên bảng chữ cái của mỗi bên và cả theo tiếng Latin. Biểu tượng này cũng có thể đơn giản chỉ là việc tượng trưng hoá 2 chữ cái đầu và cuối nổi bật nhất trong cái tên thành 2 hình tam giác nhằm tạo nên một dấu ấn riêng.
Đồng xu bạc của “vương quốc Ayyubid” Aleppo, Syria, 1212-13
Truyền thuyết dân gian thì cho rằng “Ngôi sao David” đơn giản mô phỏng lại tấm khiên của một chiến binh Do Thái trẻ tuổi, người sau đó đã trở thành Vua David. Để bảo vệ phần khung kim loại, tấm khiên được bọc bằng một loại da phủ ra bên ngoài phần khung kim loại thô với hình 2 tam giác được lồng vào nhau. Không có bằng chứng sử học nào chứng minh giả thuyết này có thực.
Nguồn gốc cách gọi “Ấn triện Solomon” sẽ được bàn tới kỹ hơn ở phần sau.
2. Ấn triện Solomon
“Set me as a seal upon thy heart”(Hãy để tôi như một cái ấn trong lòng chàng)
(Bài hát của tất cả những bài hát, của Solomon, trích Nhã ca, câu 8, đoạn 6)
Ấn triện vua Solomon trên 1 hòn đá lấy từ mái vòm một Giáo đường tồn tại vào thế kỷ thứ 3-4 ở Galilee
Vua Solomon, con trai của Vua David là người đã xây dựng ngôi đền thánh của đạo Do Thái đầu tiên ở kinh thành Jerusalem (nghĩa là “thành phố hoà bình”). Một phần trong tên thành phố, Shalem, được đặt theo tên Vua Solomon. Ông là người được Chúa trời ban tặng cả “sự khôn ngoan và trí tuệ”: “Nghe đây! Ta ban cho con một trái tim khôn ngoan và thông tuệ, chẳng có ai giống như con trước đây, sau này cũng không có ai được như con”.
Truyền thuyết nói về ấn triện của vua Solomon là một chiếc nhẫn khắc triện Người nhận được từ thiên đường, đã trở nên phổ biến với những người theo đạo Do Thái, đạo Thiên chúa và cả đạo Hồi. Ấn triện của vua Solomon, bên dưới thuộc về mặt đất, bên trên chạm tới bầu trời, là biểu tượng của sự hoà hợp những mảng đối lập. Nó phản ánh trật tự vũ trụ, bầu trời, chuyển động của các ngôi sao trong vũ trụ riêng, và mối liên kết vĩnh hằng giữa thiên đường và mặt đất, giữa các yếu tố tự nhiên của không khí và lửa. Ấn triện do đó biểu hiện cho sự khôn ngoan thông tuệ vô hạn của con người và những luật định thần thánh của chúa trời.
Năm 1536 công nguyên, Hoàng đế Suleiman “Tài trí” của Đế quốc Ottoman đã tiến hành xây dựng những bức tường bao quanh kinh thành Jerusalem (ngày nay gọi là “Bức tường than khóc”) tạo nên hình hài của thành phố hiện nay. Bằng việc xây dựng bức tường này, Suleiman đã kết nối bản thân mình với những huyền thoại như Vua David và vua Solomon, những người đã góp phần tạo dựng Kinh thành tôn giáo Jerusalem. Trên “Bức tường than khóc” là những tảng đá được khắc hình 2 tam giác lồng vào nhau – hình dáng của ngôi sao David, theo đạo Hồi gọi là Khatam Suleiman và theo đạo Do Thái là Khatam Shlomo (Ấn triện của vua Solomon) với tác dụng là bảo vệ thành phố. Đây cũng là bằng chứng cho thấy “Ấn triện Solomon” cũng có ảnh hưởng cả với đạo Hồi (Đế quốc Ottoman là một vương quốc Hồi giáo).
Ấn triện Solomon trên cuốn An’am Sharif, một cuốn kinh của Quran, 1761-2
“Ấn triện Solomon” kết hợp giữa sức mạnh và sắc đẹp, giữa chủ nghĩa tượng trưng và vật chất hữu hình trong không gian hình học. Những học giả đạo Hồi thì cho rằng bản chất của Ấn triện Solomon là biểu hiện của mối liên kết giữa 2 thế giới; giữa khoa học và chủ nghĩa siêu hình, sức mạnh của y học và ma thuật, giữa thiên văn học và thuật chiêm tinh, giữa bầu trời với mái vòm và vũ trụ. Ngày nay, dù được thừa nhận chính thức là biểu tượng của đạo Do Thái, “Ấn triện của vua Solomon” vẫn được sử dụng ở những đất nước theo đạo Hồi.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều nhầm lẫn về nguồn gốc, tên gọi và ý nghĩa của chúng. Ở châu Âu, ngôi sao 5 cánh được cho là “Ấn triện của Solomon” còn 6 cánh là “Ngôi sao David” – nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đây là sự thật. Những dấu tích quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi của ngôi sao 6 cánh từ một biểu tượng về vũ trụ trở thành một biểu tượng tôn giáo và phép thuật không liên quan đặc biệt với 1 tôn giáo hoặc 1 người nào. Nghiên cứu cho thấy nó được sử dụng trong nhiều tôn giáo khác nhau và ý nghĩa rõ ràng nhất của ngôi sao 6 cánh là có liên quan tới những phép thuật kỳ bí bảo vệ con người tránh khỏi những thế lực hắc ám. Giáo sư Gershom Scholem, một học giả nổi tiếng về học thuyết Kabbalah đã nghiên cứu về chức năng bảo vệ của ngôi sao 6 cánh và sự xâm nhập của nó vào đạo Do Thái và tín ngưỡng Hồi giáo truyền thống. Trong loạt bài về “Ngôi sao David” và lịch sử của nó, Scholem đưa ra một vài kết luận sau:
Thứ nhất: Ngôi sao 6 cánh là 1 biểu tượng chung của nhân loại và được cộng đồng người Do Thái tiếp nhận và phát triển. Biểu tượng này bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng người Do Thái ở Prague, có thể là vào thế kỷ 14, mặc dù được sử dụng chính thức mới từ thế kỷ 17, tới thế kỷ 19, nó đã được xem như biểu tượng của người Do Thái.
Thứ hai: Những hình thức tiền thân của Ngôi sao 6 cánh đã xuất hiện từ thời cổ đại.. Ở Tây Ban Nha, cho tới thế kỷ 13, Ngôi sao 6 cánh đã được người Do Thái biết tới với tên “Ấn triện của vua Solomon”; từ thế kỷ 13 tới thế kỷ 15, cả 2 cái tên cùng lúc được sử dụng. Sau đó, “ Ngôi sao David” được dùng phổ biến hơn trong tộc người Ashkenazi, trong khi “Ấn triện Solomon” được nhận biết bởi ngôi sao 5 cánh.
Thứ ba: Ngôi sao 5 cánh hay 6 cánh, xuất hiện lần đầu trên văn tự “Điều luật” mezuzot (những luật lệ của đạo Do Thái thường được khắc trên trụ nhà của những người theo đạo) và sau đó là những tấm bùa chú trong các văn tự cổ. Những ngôi sao này còn được biết tới như một dấu niêm phong, với ý nghĩa con người “đóng dấu ấn lên mình” để bảo vệ bản thân khỏi những linh hồn xấu xa. Ý nghĩa này có liên hệ với truyền thuyết về việc vua Solomon đã điều khiển quỷ dữ bằng một chiếc nhẫn có dấu ấn đặc biệt khắc tên của chúa (Tettragrammaton – theo tiếng Hy Lạp nghĩa là “bốn chữ”, ám chỉ bốn chữ JHWH trong tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hà Lan và YHWH theo tiếng Anh, dịch ra tiếng Anh hiện đại luôn được viết hoa là LORD, là tên của Chúa người Do Thái). Chỉ duy nhất dấu ấn này có thể bảo vệ con người trước những lực lượng ma quỷ.
(đọc thêm phần Học thuyết Kabbalah và tín ngưỡng Do Thái)
Ngôi sao David, Lá chắn David hay Ấn triện vua Solomon, tất cả chỉ là 1 với những ý nghĩa khác nhau, vai trò lịch sử khác nhau. Phần thứ 2 này sẽ tìm hiểu sâu hơn về sự xuất hiện của Ngôi sao David từ những hình trang trí cổ đại cho tới biểu tượng của người Do Thái ngày nay và ý nghĩa của hình ảnh này dưới nhiều cách nhìn khác nhau
4. Học thuyết Kabbalah và tín ngưỡng Do Thái
Theo những nguồn tư liệu khác nhau, ngôi sao hay tấm khiên David là biểu tượng cho số 7, bao gồm 6 mũi nhọn và phần trung tâm. Những ghi chép sớm nhất của người Do Thái đề cập tới biểu tượng này là sách Eshkol Ha-Kofer được viết bởi nhà thuật ký11 mang tên Judah Hadassi, vào giữa thế kỷ 12 sau công nguyên:
“7 cái tên của những thiên thần có trước mezuzah (1 phần thuộc kinh Cựu ước phần Torah – hay Ngũ kinh của Moses, bao gồm nhiều nhiều điều luật (mitzvot) thường được ghi lại trên trụ cửa trong nhà của người Do Thái): Michael, Gabriel, v.v. … Tetragrammaton bảo vệ ngươi! Và theo đó biểu tượng này, được gọi là “Tấm khiên David”, được thay thế bên cạnh tên của mỗi thiên thần”
Số 7 có rất nhiều ý nghĩa tôn giáo trong đạo Do Thái, chẳng hạn, Đáng sáng thế tạo ra thế giới trong 6 ngày cộng thêm 1 ngày thứ 7 để nghỉ ngơi, theo đó có 6 ngày làm việc trong 1 tuần công thêm 1 ngày Shabbat là ngày nghỉ trong tuần. Hoặc như cây chúc đài trong các đền thờ cổ, bao gồm 7 ngọn đèn dầu với 3 ngọn ở mỗi bên và 1 ngọn ở chính giữa. Có lẽ, Ngôi sao David đã trở thành một biểu tượng đặc biệt đối với các giáo đường Do Thái bởi sự sắp xếp theo thứ tự 3+3+1 rất phù hợp với cây chúc đài trong các đền thờ, biểu tượng tượng trưng cho đạo Do thái suốt từ thời cổ đại. Ngoài ra, có 6 từ trong Shema (câu kinh cầu quan trọng nhất của người Do Thái, thường được đọc vào lúc sáng sớm và chiều tối trong những buổi cầu nguyện)2, không khó để tìm thấy câu cầu nguyện này quanh Ngôi sao David…
Trong phái Kabbalah, Ngôi sao David biểu trưng cho 6 hướng và trung tâm, như được mô tả trong Sách sáng thế bao gồm: trên, dưới, đông, tây, nam, bắc và trung tâm. Đồng thời, dưới ảnh hưởng của kinh Zohar (một loại kinh thánh quan trọng của Kabbalah nói về những bí ẩn của tự nhiên, vũ trụ. Linh hồn, ác quỷ, thiên thần, tội ác và sự chuộc tội…, được lấy từ kinh Torah), Ngôi sao David đại diện cho 6 Sefirot3 của người đàn ông (Zeir Anpin)4 kết hợp với Sefirot thứ 7 của phụ nữ.
Một số lá bùa hộ mạng của các tín đồ Kabbalah dùng biểu tượng sao 6 cánh để sắp xếp 10 sefirot. Tuy nhiên, sự liên quan của biểu tượng này không tìm thấy trong các nguyên bản của học thuyếtKabbalah, như kinh Zohar và những tập kinh khác.
Một trang của bản viết tay từ thế kỷ 14 cuốn sách Guide for the Perplexed7 (Hướng dẫn cho những người chưa xác tin) của Maimonides (tên thật là Ibn Maymun). Người ngồi trên chiếc ghế với Ngôi sao David được cho chính là Aristotle
Theo G.S. Oegema – “Isaac Luria5 đã đưa ra một Tấm khiên David với ý nghĩa thần bí sâu xa hơn nhiều. Trong cuốn Etz Chayim của mình, ông đã giảng rằng các yếu tố trên chiếc đĩa đựng bánh Sader6 cho bữa tối phải được thay thế bằng ngôi sao 6 cánh: bên trên là 3 sefirot: Keter (“Crown”- Quyền lực), Chochmah (“Wisdom”- sự khôn ngoan) và Binah (“Insight”- thông tuệ), bên dưới là 7 sefirot còn lại.
Tương tự, M. Costa viết M. Gudemann và những nhà nghiên cứu khác vào những năm 1920 đã tìm ra rằng Isaac Luria đã thuyết phục để đưa Ngôi sao David trở thành biểu tượng dân tộc của người Do Thái qua việc cho rằng các yếu tố trên chiếc đĩa đựng bánh thánh Seder phải được thay thế bằng ngôi sao 6 cánh, nhưng Gershom Scholem đã chứng minh rằng Isaac Luria chỉ nói về những tam giác song song chồng lên nhau chứ không nói gì về ngôi sao 6 cánh.
Vào thời trung cổ, người Do Thái buộc phải đeo một tấm băng phân biệt, giống như thời Đức Quốc xã, những nhưng tấm băng này không phải lúc nào cũng giống Ngôi sao David. Ví dụ, một bức tranh được vẽ vào thế kỷ 15 của Nuno Goncalves mô tả một giáo sĩ đạo Do Thái đeo một tấm băng có 6 điểm trông giống 1 dấu hoa thị.
Vào thế kỷ 17, Ngôi sao David có vẻ phổ biến hơn khi được dùng để trang trí bên ngoài các nhà thờ Do Thái, nó trở thành dấu ấn của đạo Do Thái cũng như các giáo dân Thiên chúa sử dụng dấu chữ thập; tuy nhiên, vẫn không có lời giải thích chính xác tại sao biểu tượng này lại được lựa chọn thay vì những biểu tượng khác.
Ngôi sao David trở nên nổi tiếng khi được chọn làm biểu tượng cho Phong trào Phục quốc Zion của người Do Thái vào năm 1897, nhưng nó vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong nhiều năm sau đó. Cho tới khi nhà nước Israel hiện nay được thành lập, lại nảy ra những cuộc tranh cãi về chuyện nên hay ko nên sử dụng biểu tượng này trên lá quốc kỳ của đất nước.
Ngày nay, Ngôi sao David đã trở thành biểu tượng phổ biến của người Do Thái. Nó xuất hiện trên quốc kỳ của Israel và trên biểu trưng của tổ chức Lá chắn đỏ, lực lượng cứu hộ của đất nước này.
5. Đức Quốc xã
Ngôi sao David vàng được Đức quốc xã sử dụng thời chiến tranh
Một ngôi sao David, thường có màu vàng, đã được sử dụng bởi Đức Quốc xã trong suốt cuộc tàn sát người Do Thái trong Thế chiến II như một phương pháp để phân biệt người Do Thái. Sau cuộc xâm lược của Đức vào Ba Lan năm 1939, ban đầu các địa phương ra nhiều sắc lệnh khác nhau buộc người Do Thái phải mang những dấu hiệu riêng trên người – nhiều nơi bắt họ mang một băng tay màu trắng với Ngôi sao David màu xanh trên tay, ở Warthegau là một huy hiệu vàng có hình Ngôi sao David ở bên ngực trái và trên lưng. Luật bắt buộc phải đeo Ngôi sao David với từ Jude (từ “do Thái” theo tiếng Đức) khắc bên trên đã được áp dụng cho toàn bộ người Do Thái từ 6 tuổi trở lên ở Đế Quốc và 2 quốc gia được bảo hộ Bohemia và Moravia (bởi một sắc lệnh được ban hành ngày 1/9/1941, do Reinhard Heydrich ký) và dần dần lan sang những nước chịu sự kiểm soát của Đức, nơi từ Jude được thay bằng tiếng địa phương ( như Juif ở Pháp, Jood ở Hà Lan).
Ý nghĩa
Nhìn riêng từng góc độ, tam giác tượng trưng cho ba trạng thái của vạn vật, những hiện thân của Thượng Ðế và chúng được hiểu như là tam vị đồng nhất thể trong những tôn giáo khác nhau và được nhân cách hóa trong Công giáo như là Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Chúa Thánh Thần, và bên Ân Ðộ giáo gọi là Shiva, Vishnu, và Brama. Tam giác đậm hơn trong hai tam giác có đỉnh hướng xuống và tam giác nhạt hơn có đỉnh hướng lên trời lần lượt biểu tượng cho sự sống của Thượng Ðế đí xuống vào vật chất và sự sống của Thượng Ðế đi lên , vượt ra khỏi vật chất đi vào trong tinh thần, sự đối đãi, sự tương phản giữa năng lượng sáng và tối sẽ mãi mãi không ngừng trong thiên nhiên và con người.
Một số nhóm người do thái chính chống từ chối việc sử dụng Ngôi sao David bởi mối liên hệ của nó với những ma thuật huyền bí. Neturei Karta8 và Satmar9 đã từ chối sử dụng nó vì họ cho rằng nó có liên quan tới Chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Rất nhiều những Giáo đường ngày nay, và nhiều giáo đường khác của các tổ chức người Do Thái, tuy nhiên, vẫn treo cờ Israel với ngôi sao David một cách nổi bật ở ngay trước cổng giáo đường.
Ngôi sao thường có màu xanh dương, giống như trên lá cờ của Israel.
Một số cho rằng tam giác phía trên hướng tới Chúa hay thiên đường, trong khi tam giác ở dưới hướng xuống thế giới thực, thế giới của con người. Một số khác thì cho rằng hình ảnh 2 tam giác lồng vào nhau là biểu hiện cho một dân tộc Do thái không thể bị chia cắt. Một số khác lại nói 3 mặt đại diện cho 3 tộc người do thái: Kohanim, Levites và Israel. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng ngôi sao này có tới 12 phía (3 mặt ngoài và 3 mặt trong của mỗi tam giác), đại diện cho 12 tộc người con cháu của Joseph. Hầu hết những giả thuyết này đều có rất ít bằng chứng lịch sử.
HÌnh ảnh các tam giác quấn vào nhau rất phổ biến ở Trung Đông và Bắc Phi, biểu hiện cho sự may mắn tốt đẹp. Nó đôi khi xuất hiện trên các công trình nghệ thuật của người Do Thái xưa, nhưng không bao giờ là biểu tượng của riêng người Do Thái. Hình ảnh “chính thức” là biểu tượng của người Do Thái lúc đó là cây chúc đài thần thánh.
Vòng tròn vũ trụ của ngôi sao 6 cánh, còn được gọi là “Ngôi sao david” còn cổ xưa hơn đạo Do thái, cổ xưa hơn cả lịch sử! Như một biểu tượng nguyên mẫu của sự hợp nhất thần thánh của các nguồn năng lượng đối lập, cũng như thuyết “âm – dương” của nền văn hoá phương đông. Được tạo thành bởi sự đan chéo của 2 tam giác “nước” và “lửa” (sự mạnh mẽ của đàn ông và dịu dàng của phụ nữ),biểu tượng này đại diện cho sự kết hợp hoàn hảo giữa giống đực và giống cái. ”Sự kết hợp thần thánh” là nguồn gốc mọi sự sống trên hành tinh này, ngôi sao 6 cánh với sự kết hợp giữa 2 tam giác cũng là biểu hiện cho sự cân bằng và trọn vẹn (wholeness).
Biểu tượng ngôi sao 6 cánh với 2 tam giác lồng vào nhau có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt khi nó được bao bọc bằng 1 vòng tròn; những sức mạnh siêu nhiên đã được tập trung vào đó từ thời cổ đại xa xưa. Cùng với ngôi sao 5 cánh, ngôi sao 6 cánh tượng trưng cho sự phát triển toán học và hình học của người Hy Lạp cổ đại và những hậu duệ của họ sống quanh vùng Địa Trung Hải.
Thông qua hình ảnh một ngôi sao 6 cánh, người ta nhìn thấy biểu tượng của vũ trụ. Đó là hình ảnh của thiên đường và sự phản chiếu ngược lại là mặt đất, là đức tin thần thánh được phản ánh qua sáng thế và là mối liên kết giữa thế giới vĩ mô và vi mô, giữa tinh thần và vật chất.
——-
Chú thích:
1: Karaite – tạm dùng từ thuật ký theo một số thông tin tôi tìm được trên mạng, là những người ghi chép lại những câu chuyện trong kinh Tanakh, nguyên gốc của kinh Cựu ước ngày nay. Tên gọi Karaite được sử dụng để phân biệt với Rabbinic là danh vị của các giáo sĩ Do Thái)
Nguồn: en.wikipedia.org/wiki/Karaite , community.vietfun.com/showthread.php?t=534990
en.wikipedia.org/wiki/Tanakh
2. Nguyên văn: Shema Yisrael Adonai Eloheinu Adonai Echad (Hear, O Israel: the LORD our God, the LORD is one. Dịch nghĩa: “Nghe đây con dân Israel: Chỉ có một Thiên Chúa và là Cha của tất cả chúng ta, Ðấng ở trên tất cả, nơi tất cả và trong tất cả” (Eph.4:6))
3. Sefirot (hay Sephiroth, Sefiroth, Sephirah, và Sefirah): Biểu tượng cơ bản của học thuết Kabbalah là Cây của Sự Sống, một mẫu đồ gồm 10 điểm tròn gọi là Sephirot. Danh từ “Sephirot” chỉ những “ánh sáng” hoặc những “khía cạnh” của Thượng đế. Cây của Sự Sống là một biểu đồ về Thượng đế, hay một biểu đồ về công cuộc sáng thế. Trong thế giới vĩ mô (macrocosm), đó là hình ảnh của vũ trụ trong những cõi hữu hình lẫn vô hình. Trong thế giới vi mô (microcosm), đó là biểu đồ của con người, của nguồn gốc của tâm và Tự ngã. Tương tự như vũ trụ, con người phát xuất là một điểm linh quang từ trên cao, xong bị điều kiện hóa bởi ba cõi của thiên nhiên và ngụ trong những hình thể của thế gian. Nằm giữa phàm ngã cá nhân và điểm quang linh tối thượng là sự sống ý thức nơi tâm hồn và linh hồn.
Mẫu đồ Kabbalah
4. Zeir Alpin: bao gồm 6 Sefirot: Chesed, Gevurah, Tipheret, Netzach, Hod, Yesod trên đồ hình.
5. Isaac Luria: một học giả thần bí về Kabbalah người Do Thái, sống ở Safed – cội nguồn học thuyết Kabbalah vào khoảng thế kỷ 16.
6. Seder: món ăn chính trong bữa tiệc Passover của người theo đạo, theo tôi tìm hiểu là một loại bánh được lên men, hoặc Seder là 1 loại bánh thánh chuyên sử dụng trong các buổi lễ của người Do thái.
7. Guide of the perplexed: là một khảo luận Triết Học làm hòa hợp các tư tưởng tôn giáo với các lời giảng dạy khoa học của Aristotle
8. Neturei Karta: Một nhóm nhỏ những người Do Thái theo đạo Chính Thống chống lại việc thành lập quốc gia Israel trên căn bản tôn giáo chính thống hiện nay.
9. Satmar: Một nhóm những người do thái giáo dòng Hasids có gốc Đông Âu
(đọc thêm phần Học thuyết Kabbalah và tín ngưỡng Do Thái)